Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì

Thứ năm, 25/01/2024 | 09:19 (GMT+7)

Không chỉ là một loài cây cảnh thường được dùng để trang trí nhà cửa, sân vườn mà ngũ gia bì còn được biết đến là một dược liệu trong y học cổ truyền với nhiều công dụng.

Tổng quan về ngũ gia bì

Cây ngũ gia bì còn có tên gọi khác là ngũ gia bì gai, xuyên gia bì, thích gia bì, tam gia bì,… Tên khoa học của loài thực vật này là Schefflera heptaphylla, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae).

Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì 1
Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì 1

Nhận dạng và phân loại

Dưới đây là những đặc điểm nhận dạng cơ bản của các loại cây xuyên gia bì:

Cây thân thảo, nhóm cây bụi nhỡ, cao 1 – 7m và mọc dựa.

Cành cây vươn dài có gai và cành nhánh rậm rạp cũng có gai mềm.

Lá kép chân vịt, gồm 3 – 5 lá chét, hình bầu dục hoặc thuôn, gốc tròn và đầu nhọn. Hai mặt lá đều nhẵn, mặt trên sẫm bóng và mép lá có khía răng to. Gân lá cũng có gai.

Cụm hoa mọc ở đầu cành, có cuống dài 3 – 4cm. Hoa nhỏ, màu trắng lục và có hình tam giác.

Quả mọng có hình cầu dẹt và có màu đen khi chín. Bên trong quả cây xuyên gia bì chứa 2 hạt.

Cây ngũ gia bì có tinh dầu thơm và thường xanh quanh năm.

Hiện nay, tại Việt Nam có 3 loại ngũ gia bì xuất hiện phổ biến, gồm:

Ngũ gia bì gai: Mọc bụi, có rất nhiều gai ở phần mép lá, lá non màu vàng nhạt, lá cây lớn có màu xanh.

Ngũ gia bì cẩm thạch: Có màu sắc lạ, xen lẫn màu xanh và màu vàng trên cùng một cuống lá, thường được sử dụng để trang trí trong nhà ở.

Ngũ gia bì hương: Mọc bụi, cao vài mét, được xếp vào danh sách dược liệu quý, được nghiên cứu bảo tồn và phát triển trồng tại Viện dược liệu.

Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì 2
Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì 2

Phân bố

Cây ngũ gia bì là loại cây phổ biến tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, bao gồm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia và Nhật Bản.

Tại nước ta, loài thực vật này phân bố rộng rãi ở các tỉnh thành như Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An. Chúng thường được tìm thấy ở những vùng đất có độ cao từ 100 – 2100m.

Loài thực vật này có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện sống khác nhau, từ khí hậu nóng ẩm đến khô hanh và đất đai nghèo. Loại cây này thường mọc ở các vùng rừng thưa, nơi có độ ẩm đủ và đất phù sa giàu dinh dưỡng. Chúng cũng thường mọc dại ở các vùng rừng thưa và đất trống.

Mặt khác, gia bì còn được trồng ở nhà kính và các trang trại thuốc, trang trại làm dược liệu, hoặc ở các vườn cây, khu vườn gia đình và các khu công viên để làm cây giống, cây cảnh.

Bộ phận sử dụng – Quy trình bào chế

Dưới đây là đặc điểm dược liệu và quy trình thu hái – sơ chế – bảo quản khi dùng làm thuốc.

Bộ phận dùng làm dược liệu: Vỏ của thân, rễ và lá của cây.

Thu hái:

Chỉ thu hái ở những cây ngũ gia bì trên 10 năm tuổi, bóc lấy vỏ cây, phần rễ hoặc lá. Việc thu hái cần được thực hiện bởi người có chuyên môn để đảm bảo không gây thiệt hại cho cây giống.

Sơ chế:

Đem thái mỏng các bộ phận đã thu hoạch, sau đó sao vàng hoặc phơi khô.

Bảo quản:

Dược liệu khô cần được bảo quản ở nơi khô thoáng và tránh ẩm mốc, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời quá lâu để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì 3
Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì 3

Thành phần hóa học

Các nhà khoa học đã phân tích thành phần và phát hiện trong các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, đặc biệt trong phần vỏ thân cây có chứa đến 0.9 – 1% tinh dầu. Riêng loại ngũ gia bì hương chứa hàm lượng cao vượt bậc.

Trong lá và cành cây có hơn 60 thành phần hoạt chất chống oxy hóa, các loại tinh dầu, trong đó tiêu biểu gồm: Sabinen, α-pinen, terpinen-4-ol, ꞵ-pinen, p. cymen,… Trong phần vỏ của thân, rễ còn chứa các hợp chất nevadensin, taraxerol, 3α, 11α-dihydroxy-23-oxylup-20(29)-en-28-oic,…

Tác dụng của cây ngũ gia bì

Xuyên gia bì là một loại cây rất quý được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Dưới đây là một số ứng dụng và tác dụng của loài cây này:

Làm dược liệu:

Vỏ của thân và rễ của cây ngũ gia bì được y học cổ truyền sử dụng để chữa nhiều loại bệnh như đau đầu, đau dạ dày, đau lưng, chứng rối loạn tiêu hóa, huyết áp cao, sưng tấy, chảy máu cam, cảm cúm, viêm xoang, chứng đau khớp và các bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh,… Các chiết xuất từ loại cây này cũng được ứng dụng trong bào chế dược phẩm trong y học hiện đại.

Trang trí nội thất:

Ngũ gia bì còn được sử dụng làm cây cảnh trong nhà, sân vườn, trang trí nội thất, tạo không gian xanh trong nhà và giúp tạo ra không khí trong lành, thoải mái. Hơn nữa, theo quan điểm phong thủy phương Đông, ngũ gia bì còn có hàm ý tốt, cân bằng ngũ hành nên được nhiều người lựa chọn làm cây cảnh.

Thực phẩm:

Quả ngũ gia bì còn có thể được sử dụng để chế biến thực phẩm như mứt, Marmalade hoặc để ăn trực tiếp. Loại quả này giàu chất xơ và vitamin C nên có thể hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Công nghiệp mỹ phẩm:

Chiết xuất từ cây ngũ gia bì được sử dụng làm nguyên liệu cho các sản phẩm mỹ phẩm bao gồm kem dưỡng da, dầu gội đầu và nước hoa.

Công dụng khi làm dược liệu chữa bệnh:

Cây ngũ gia bì có nhiều ứng dụng và tác dụng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Các công dụng của vị dược này đã được công nhận trong cả y học cổ truyền và y học hiện đại:

Theo y học cổ truyền:

Ngũ gia bì là một loại cây được sử dụng trong y học cổ truyền với vị đắng, cay, tính mát và quy vào 3 kinh can, phế, thận. Công dụng chính của ngũ gia bì bao gồm thanh nhiệt, giải độc, khu phong, lợi thấp, thư cân và hoạt lạc. Các tác dụng của ngũ gia bì rất đa dạng, cụ thể:

Có tác dụng mạnh gân cốt và chữa bệnh lý về xương khớp, lưng đau mỏi gối, trẻ nhỏ chậm biết đi. Ngũ gia bì còn có tác dụng làm mềm cơ, giãn cơ, cường cốt, từ đó hạn chế đau nhức, suy yếu hoặc viêm cơ – xương – khớp.

Giúp giảm mệt mỏi, tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với tình trạng thiếu oxy và môi trường nhiệt độ cao. Dược tính của cây giúp điều tiết nội tiết rối loạn, điều tiết hồng cầu, bạch cầu và huyết áp.

Hỗ trợ an thần thông qua điều tiết sự cân bằng giữa 2 quá trình ức chế và hưng phấn của trung khu thần kinh.

Kháng khuẩn kháng viêm, tăng cường miễn dịch của cơ thể, tăng khả năng thực bào của hệ tế bào nội mô, từ đó giúp nâng cao tốc độ hình thành kháng thể chống lại các vi sinh vật, vi khuẩn, mầm bệnh gây hại.

Kháng lại virus, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư và điều chỉnh miễn dịch.

Cây ngũ gia bì có khả năng chống ô nhiễm và giúp làm sạch không khí, đồng thời hạn chế côn trùng có hại. Hương liệu từ ngũ gia bì cũng được Đông y dùng làm phương pháp đuổi muỗi, xua đuổi côn trùng.

Theo y học hiện đại

Với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay người ta cũng đã khám phá ra nhiều công dụng mới của ngũ gia bì và chứng minh được tác dụng của loài cây này đối với sức khỏe con người.

Đầu tiên, thử nghiệm trên chuột đã cho thấy rằng ngũ gia bì có tác dụng kích thích tâm thần mà không làm thay đổi hoạt tính enzyme monoamin oxydase ở não và gan. Nước sắc và dịch chiết cồn từ vỏ cây cũng có tác dụng làm tăng hoạt động tự nhiên của động vật được thí nghiệm. Điều này cho thấy rằng ngũ gia bì có thể được sử dụng để tăng cường sức khỏe tinh thần.

Ngoài ra, ngũ gia bì còn được chứng minh có khả năng tăng cường tác dụng gây co giật của strychnin và pentetrazol. Các hoạt chất cũng được cho là có tác dụng chống mệt mỏi tương tự nhân sâm và làm tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với tình trạng nhiệt độ cao, thiếu oxy.

Thảo dược này cũng có tác dụng giải độc, chống phóng xạ, điều hòa hồng cầu, bạch cầu và huyết áp. Nghiên cứu cho thấy dịch chiết của ngũ gia bì có thể điều tiết sự cân bằng quá trình hưng phấn cũng như ức chế ở trung khu thần kinh, từ đó hỗ trợ an thần, yên giấc, giảm suy nhược.

Một số tác dụng khác có thể kể đến như: Tăng thể lực, trí lực, chống lão hóa, tăng trao đổi chất, nâng cao chức năng tuyến sinh dục, tăng tốc tái sinh tế bào, đề cao hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể, hạ huyết áp,…

Gợi ý 7 bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh hay từ ngũ gia bì

Dưới đây là 7 pháp trị, bài thuốc theo y học cổ truyền ứng dụng công dụng của vị dược ngũ gia bì để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ trị bệnh:

1. Dùng ngũ gia bì ngâm rượu

Rượu ngâm ngũ gia bì là một bài thuốc dân gian được sử dụng phổ biên. Vậy tác dụng của ngũ gia bì ngâm rượu là gì? Phương pháp này có công dụng chủ yếu là cải thiện các triệu chứng đau nhức xương khớp, đau lưng, mỏi gối. Tuy nhiên, loại rượu thuốc này cũng hỗ trợ giúp an thần và dễ ngủ hơn.

Cách thực hiện ngâm rượu thuốc ngũ gia bì như sau:

Bước 1:
Cần chuẩn bị ngũ gia bì khô, rượu trắng có độ cồn 30 độ.

Bước 2:
Thái nhỏ và sao vàng hạ thổ ngũ gia bì.

Bước 3:
Sau đó, cho ngũ gia bì vào lọ rượu đã chuẩn bị trước đó, cho rượu vào đậy kín và để ngâm trong khoảng 10 – 15 ngày.

Bước 4:
Lắc đều lọ rượu trước khi sử dụng và uống mỗi ngày khoảng 30ml vào buổi tối trước khi đi ngủ.
2. Cải thiện bệnh gout với ngũ gia bì
Bài thuốc này sử dụng ngũ gia bì được kết hợp với nhiều loại thảo dược khác, sắc uống để hỗ trợ điều trị bệnh gout. Việc sử dụng phương pháp này chỉ mang đến tác dụng hỗ trợ, không thể không thể thay thế cho phương pháp điều trị chuyên sâu của bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trước khi áp dụng để đảm bảo an toàn.

Cách thực hiện:

Bước 1:
Chuẩn bị ngũ gia bì, trinh nữ, bồ công anh, đinh lăng, tục đoạn, cà gai leo, đơn hoa, cát căn, kinh giới và thủy xương bồ mỗi dược liệu 16g. Chuẩn bị thêm ngưu tất nam (20g), lá lốt (12g), quế chi (10g) cùng 1.5 – 2l nước sạch.

Bước 2:
Cho tất cả các dược liệu vào ấm để sắc, khi còn khoảng 1/3 thì có thể tắt bếp để lấy nước uống.

Bước 3:
Mỗi ngày uống 1 – 2 bát, đều đặn 1 tháng. Có thể tiếp tục uống duy trì sau khi tham khảo ý kiến thầy thuốc.

3. Bài thuốc hỗ trợ trị tay chân run rẩy, miệng lập cập
Đây là một bài thuốc Đông y kết hợp ngũ gia bì với nhiều loại thảo dược khác như ngưu tất, thạch hộc, nhục quế và gừng. Công thức này mang đến tác dụng hỗ trợ chữa chứng tay chân run rẩy không cầm nắm được, miệng lập cập. Nguyên nhân triệu chứng này có thể do cơ thể thiếu chất, cơ yếu, rối loạn thần kinh và một số bệnh lý khác.

Cách thực hiện như sau:

Bước 1:
Chuẩn bị nguyên liệu gồm ngũ gia bì (30g), ngưu tất (24g), thạch hộc (24g), nhục quế đã bỏ vỏ ngoài (6g), gừng khô (3g) và khoảng 1.5 – 2l nước sạch.

Bước 2:
Lấy tất cả các nguyên liệu cho ấm/nồi để sắc để lấy nước uống. Khi nước cạn còn khoảng 1/3 thì có thể tắt bếp để lấy uống.

Bước 3:
Uống 2 lần/ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

4. Tráng cốt, cường gân, cải thiện chậm đi và suy dinh dưỡng ở trẻ hoặc liệt dương ở nam
Bài thuốc này được sử dụng để hỗ trợ trị các chứng mềm yếu gân xương, trẻ chậm biết đi và suy dinh dưỡng, đồng thời đây cũng là một bài thuốc chứa yếu sinh lý, rối loạn cương dương hoặc liệt dương ở các quý ông. Công dụng chủ yếu là cường kiện xương khớp, bồi bổ cơ thể và cải thiện các tình trạng suy yếu về thể trạng, thần kinh.
Cách thực hiện như sau:

Bước 1:
Chuẩn bị 3 – 5g mỗi loại thuốc gồm ngũ gia bì, mộc qua và ngưu tất.

Bước 2:
Sắc lấy nước uống (cho trẻ nhỏ) hoặc tán các nguyên liệu thành bột bịt và pha chút rượu loãng uống (khi áp dụng chữa liệt dương, rối loạn cương dương ở nam giới).

Bước 3:
Sử dụng liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc.

5. Bài thuốc giảm viêm, sưng, đau nhức xương khớp kéo dài
Đây là phương pháp hỗ trợ giảm viêm sưng, đau nhức khớp kéo dài được chế biến từ một số thảo dược khác ngoài ngũ gia bì với tác dụng giảm đau, giảm viêm và làm giảm sưng xương khớp kéo dài ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân mãn tính.

Cách thực hiện:

Bước 1:
Chuẩn bị các dược liệu với liều lượng cụ thể như sau: Ngũ gia bì, trinh nữ, bưởi bung, ngải diệp, cát căn mỗi loại 16g, thêm nam tục đoạn 20g.

Bước 2:
Cho tất cả các nguyên liệu vào ấm, đổ thêm nước khoảng 4 bát.

Bước 3:
Sắc trong khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ để cạn dần sao cho lấy được 2 bát nước thuốc.

Bước 4:
Chia nước thuốc thành 2 lần và uống trong ngày. Thực hiện đều đặn mỗi ngày cho đến khi thuyên giảm hoặc theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

6. Tiêu phù nề cho sản phụ sau sinh
Đây là bài thuốc có tác dụng giảm phù nề cho phụ sản sau khi sinh, tăng lưu thông máu, giảm viêm, đồng thời cải thiện các cơn đau, bồi bổ sức khỏe của các chị em bị tổn thương sau quá trình chuyển dạ. được chế biến từ một số loại thảo dược có tác dụng giảm phù nề, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe.

Cách thực hiện:

Bước 1:
Chuẩn bị các loại thảo dược gồm 16 ngũ gia bì, 16g ích mẫu, 16g đan sâm, 10g trần bì, 10g hồng hoa, 10g quế chi, 10g xa tiền tử, 20g tô mộc, 20g đinh lăng, 12g uất kim và 12g bạch truật.

Bước 2:
Cho tất các loại thảo dược trên vào ấm/nồi cùng với 1.8 lít nước.

Bước 3:
Đun sôi và sau đó hạ nhỏ lửa để tiếp tục sắc trong khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ cho đến khi còn 1/2 lượng nước thì tắt bếp.

Bước 4:
Lọc để lấy nước thuốc, chia làm 2 lần/ngày. Thời gian áp dụng thường dưới 5 ngày, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

7. Bài thuốc bồi bổ khí huyết cho nữ giới
Đây là một giải pháp cho các chị em thường xuyên lao lực dẫn đến cơ thể mệt mỏi, thể chất suy nhược, xuất hiện nhiều các triệu chứng: Hơi thở ngắn, sốt, ra mồ hôi trộm, ăn uống kém, kinh nguyệt không đều, khó ngủ,…

Cách thực hiện:

Bước 1:
Chuẩn bị 40g ngũ gia bì, 40g mẫu đơn bì, 40g xích thược, 40g đương quy.

Bước 2:
Đem tất cả các thành phần tán thành bột mịn, khi dùng thì pha với nước ấm uống, số bột còn lại bảo quản kín.

Bước 3:
Mỗi lần dùng 5 – 8g bột pha cùng 1 cốc nước, ngày uống 2 lần, duy trì cho đến khi cơ thể hồi phục khỏe mạnh.
Lưu ý cần biết khi sử dụng vị thuốc ngũ gia bì
Ngũ gia bì là một trong những loại dược liệu được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền và có ứng dụng trong y học hiện đại. Dưới đây là một số lưu ý cần biết khi sử dụng vị dược này để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh:

Mua dược liệu ở nơi uy tín:

Để đảm bảo chất lượng và an toàn, bạn nên mua dược liệu dạng tươi hoặc khô đã sơ chế ở các cửa hàng hoặc nhà thuốc đáng tin cậy. Tránh mua thuốc từ những nguồn trôi nổi, khó xác minh nguồn gốc.

Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ:
Các pháp trị Đông y sử dụng ngũ gia bì để hỗ trợ điều trị một số bệnh nhưng cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hoặc lương y có chuyên môn về y học cổ truyền.

Tác dụng phụ:

Ngũ gia bì là một thảo mộc thiên nhiên lành tính, tuy nhiên vẫn có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu hoặc khó thở,… Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường về sức khỏe nào sau khi áp dụng các bài thuốc chứa vị dược này, cần ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Liều lượng và liệu trình:

Tùy theo bài thuốc, cơ địa và tình trạng bệnh tình của bệnh nhân mà việc áp dụng sẽ khác nhau. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng, thời gian sử dụng được hướng dẫn. Tuyệt đối không tự ý tăng giảm, kéo dài thời gian dùng hoặc ngừng thuốc đột xuất.

Đối các đối tượng không nên dùng:

Dược tính của ngũ gia bì mang tính ôn, cay nên thuốc không nên dùng cho người bị nóng trong, âm hư. Mặt khác, tùy theo các vị thuốc kết hợp trong pháp trị mà cần kiêng dùng cho một số nhóm đối tượng nhất định.

Tác dụng tương tác:

Ngũ gia bì có thể tương tác với một số loại thuốc, dược phẩm và cách điều trị bệnh khác. Vì vậy, nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh nào khác, cần thông báo cho bác sĩ điều trị để tránh tác dụng tương tác không mong muốn.

Ngũ gia bì là một loại cây thích hợp để làm cảnh trong nhà, sân vườn vì vừa hỗ trợ làm sạch không khí, làm đẹp không gian, đổi côn trùng, vừa có ngụ ý tốt trong phong thủy. Hơn nữa, loài thực vật này cũng có thể sử dụng như một dược liệu đa dụng với nhiều công dụng cho sức khỏe.