Bài thuốc dân gian từ rau đắng đất
Thứ ba, 23/01/2024 | 10:54 (GMT+7)
1. Sơ lược về cây rau đắng
Rau đắng còn được gọi là rau xương cá, thuộc họ rau răm. Đây là loại cây thân thảo, chiều cao khoảng 10cm, có màu đỏ tím, thân và cành nhẵn, mọc tỏa tròn gần sát mặt đất. Cây rau đắng mọc hoang ở nhiều nơi, bao gồm đồng bằng, trung du và vùng núi thấp ở nước ta. Nó được xem là một thành phần trong nhiều phương thuốc Y học cổ truyền.
Rau đắng có các thành phần gồm tinh dầu, oxalic, axit silicic, galic, cafeic, các glycosid, các dẫn chất polyphenol, dẫn chất anthranoid, các axit amin và các loại đường, chất nhầy,... Nó thường được ăn sống hoặc sấy khô và sử dụng như nhiều loại thảo dược khác.
Ở nước ta, rau đắng có 2 loại: Rau đắng đất và rau đắng biển. Tuy có vị giống nhau nhưng chúng lại có những ưu điểm riêng về công dụng đối với sức khỏe. Đặc điểm của 2 loại rau đắng này như sau:
Rau đắng đất: Là loài thân thảo mọc bò trên mặt đất, tỏa tròn gần sát mặt đất, thân màu đỏ tím, có thể cao tới 10 - 30cm. Ăn rau đắng đất có tác dụng gì? Rau đắng đất trong Đông y có các tên gọi như cây càng tôm, biển súc, cây xương cá với vị đắng, tính bình và không độc, có công dụng lợi tiêu hóa, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt và sơ can. Người bị tiểu gắt buốt, sỏi thận, nóng trong người, ăn uống khó tiêu,... đều có thể sử dụng loại rau này. Đồng thời, nó cũng giàu vitamin C, tăng sức đề kháng cho cơ thể, tăng khả năng chống lại bệnh tật, kể cả các bệnh tim mạch và ung thư;
Rau đắng biển: Thường phát triển ở khu vực đầm lầy, bãi cỏ nơi có hơi ẩm hoặc mọc ở bờ ruộng nên còn được gọi là rau đắng đồng. Đây là loài thân thảo mọc bò, thân nhẵn có rễ, dài 10 - 40cm. Theo Y Học Cổ Truyền Việt Nam, rau đắng biển còn có tên gọi khác là cây ruột gà, rau sam trắng, rau sam đắng hoặc cây ba kích, có vị đắng, tính mát, giúp thanh nhiệt, tiêu độc, tiêu thũng và lợi tiểu. Nó được sử dụng để sắc uống chữa ho, trị chứng tiểu gắt, tiểu buốt, đi cầu khó. Ngoài ra, rau đắng biển còn có nhiều chất có lợi cho sức khỏe, tốt cho tuần hoàn não, tăng trí nhớ, giảm mệt mỏi tinh thần, hỗ trợ điều trị bệnh động kinh.
2. Rau đắng có nhiều công dụng đối với sức khỏe
Tăng khả năng nhận thức: Rau đắng giúp kích thích não bộ, tăng cường khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ;
Chống rối loạn nhận thức: Rau đắng có khả năng làm giảm nguy cơ rối loạn nhận thức ở tuổi già (chứng mất trí và bệnh Alzheimer). Rau đắng kích thích cơ thể sản sinh các phản ứng sinh hóa trung hòa mới, làm giảm tình trạng stress oxy hóa trong não, giúp người già thêm minh mẫn;
Giảm căng thẳng, lo âu: Khi căng thẳng và lo lắng, bạn có thể nhai 2 - 3 cọng rau đắng để xua tan cảm giác này. Các hoạt chất trong rau đắng giúp cân bằng hormone, đặc biệt là các hormone gây căng thẳng trong cơ thể, giúp người dùng giữ được trạng thái bình tĩnh và thoải mái;
Tốt cho hệ hô hấp: Nếu sử dụng rau đắng theo cách pha thành trà hoặc nhai nát thì nó có thể tăng cường sức khỏe của hệ thống hô hấp. Nó giúp long đờm, loại bỏ chất nhầy dư thừa, làm giảm tình trạng viêm ở họng và đường hô hấp, giảm đau hiệu quả. Vì vậy, rau đắng rất tốt cho người bị viêm phế quản, viêm mũi xoang;
Chống viêm: Các hợp chất từ lá rau đắng có thể làm giảm sưng, ngăn chặn tình trạng kích ứng trong cơ thể. Do đó, rau đắng là thực phẩm tốt cho những người bị bệnh gút, viêm khớp và các bệnh viêm khác;
Chống oxy hóa: Rau đắng có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể. Từ đó, nó giúp duy trì chất lượng cuộc sống, tăng cường quá trình trao đổi chất, bảo vệ hệ thống tim mạch và phòng ngừa ung thư;
Cải thiện hệ thống miễn dịch: Dù pha thành trà hay ăn rau đắng thì loại rau này đều giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, chống lại các mầm bệnh, virus và tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn;
Hỗ trợ điều trị bệnh động kinh: Lá rau đắng được cho là có tác động tích cực tới các phản ứng trung hòa, từ đó ngăn ngừa các cơn động kinh và các dạng bệnh về thần kinh khác như rối loạn lưỡng cực, chứng đau dây thần kinh;
Tác dụng khác: Chữa lành vết thương và khử trùng da (thoa nước ép rau đắng hoặc tinh dầu rau đắng lên vết thương giúp hạn chế nguy cơ để lại sẹo trên da); hạ đường huyết; trị loét dạ dày và hội chứng ruột kích thích, ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa; lợi tiểu, hạ sốt; trừ giun; tăng khả năng đông máu,...
3. Một số bài thuốc trị bệnh từ cây rau đắng
Chữa tiểu ít và khó khăn: Bài thuốc gồm 16g rau đắng, 12g xa tiền tử, 12g mộc thông, 12g tỳ giải, 8g sơn chi tử. Sắc uống ngày 1 thang;
Chữa tiểu rắt, buốt: Bài thuốc gồm 8g rễ rau đắng, 8g hạt ké vông vang, 8g nhân trần, 8g mộc thông, 8g xa tiền tử, 8g lá tre, 3g đăng tâm thảo, 3g thông thảo. Sắc uống ngày 1 thang;
Chữa viêm bàng quang cấp tính: Bài thuốc gồm 12g rau đắng, 20g tỳ giải, 20g bồ công anh, 12g sài hồ, 12g hoàng cầm, 12g hoạt thạch, 12g cù mạch, 6g mộc thông. Nếu có triệu chứng tiểu ra máu thì thêm 12g sinh địa, 12g chi tử, 12g bạch mao căn;
Chữa nhiệt miệng: Rửa sạch 1 nắm rau đắng, giã lấy nước cốt, ngậm nước cốt này trong miệng vài phút rồi nuốt từng chút một. Với trẻ em không chịu được đắng thì có thể dùng đầu tăm bông thấm nước cốt rau đắng, chấm lên vết loét trong miệng bé;
Chữa giun đũa ở trẻ em: Lấy 100g rau đắng tươi, sắc uống ngày 1 lần;
Chữa ngứa hậu môn, ngứa âm hộ (phụ nữ): Lấy 200g rau đắng tươi, sắc lấy nước rồi dùng rửa hậu môn, âm hộ ngày 1 - 2 lần. Thực hiện nhiều lần sẽ có kết quả tốt;
Chữa đau răng: Rửa sạch cây rau đắng, sắc thành nước uống 2 lần/ngày. Uống khoảng 2 - 3 ngày liên tục sẽ thấy có hiệu quả.
4. Lưu ý khi ăn rau đắng
Rau đắng chứa nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng nên rất tốt cho một chế độ ăn giảm béo, ngăn ngừa nguy cơ rối loạn mỡ máu, phù hợp với người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp,... Lưu ý khi ăn rau đắng như sau:
Nên sử dụng cả phần lá và thân của cây rau đắng, ăn rau tươi cùng với cháo nóng sẽ rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, ăn rau đắng với cháo cá lóc hay cháo cá kèo vừa ngon miệng lại bổ dưỡng;
Nếu ngại vị đắng của rau, bạn có thể luộc chín rau đắng rồi ăn chung với cá kho hoặc thịt kho. Hoặc có thể nấu rau đắng thành canh, nấu lẩu để giảm bớt vị đắng của rau. Ngoài ra, người dùng có thể xào rau đắng với tôm, thịt cùng với dầu mỡ và nước cốt dừa;
Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng khi sử dụng rau đắng vì có một số thử nghiệm cho thấy các chất trong rau đắng có thể gây co bóp tử cung, tăng thời gian đông máu, làm tăng nguy cơ xuất huyết, sảy thai;
Người có hệ tiêu hóa không tốt nếu ăn nhiều rau đắng có thể bị đi tiêu lỏng;
Chỉ ăn rau đắng để ăn kiêng có thể gây cảm giác buồn nôn, đầy tức bụng hoặc rối loạn tiêu hóa. Do đó, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, kết hợp ăn rau đắng với các loại thực phẩm khác để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, kết hợp với việc tập luyện hợp lý để đạt được hiệu quả giảm cân như mong muốn;
Không nên ăn rau đắng liên tục trong thời gian trên 3 tháng. Bạn chỉ nên bổ sung rau đắng khi cần hỗ trợ điều trị một vấn đề sức khỏe nào đó;
Do ảnh hưởng của các thành phần trong rau đắng tới hệ bài tiết, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và lượng đường trong máu nên trước khi sử dụng rau đắng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Rau đắng là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe với nhiều công dụng tuyệt vời. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người dùng cần ghi nhớ những nguyên tắc cần thiết khi ăn rau đắng đã được đề cập ở trên. Và tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng./.