Chế độ ăn cho người bị nhiễm vi khuẩn HP
Nằm trong nhóm các bệnh mạn tính đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến và có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Tuy nhiên, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori được xem là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Cùng với việc tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP, hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi sau khi đã được loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị nhiễm vi khuẩn HP
Việc kiểm soát vết loét dạ dày bằng cách nên tránh các thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm hoặc kích ứng thêm niêm mạc dạ dày như thức ăn mặn và béo, thịt chế biến sẵn, đồ uống có cồn, cà phê, thức ăn cay. Đồng thời, tăng cường chọn những thực phẩm thúc đẩy quá trình lành vết loét dạ dày, chẳng hạn như những thực phẩm có chứa men vi sinh và prebiotic.
Vai trò của chế độ ăn trong điều trị viêm loét dạ dày
Mặc dù thực phẩm không gây ra hoặc điều trị vết loét nhưng một số loại làm cho cơn đau của bạn trở nên tồi tệ hơn, trong khi một số khác có thể giúp ích cho bạn lành nhanh hơn.
Do đó, ăn gì và tránh ăn gì rất quan trọng trong việc giúp bệnh mau khỏi, ngăn ngừa tình trạng kích ứng niêm mạc dạ dày. Chế độ ăn uống của chúng ta nên chứa nhiều chất có hoạt tính kháng khuẩn mạnh chống lại vi khuẩn HP. Các can thiệp về chế độ ăn uống có thể làm giảm sự xâm nhập của HP và dẫn đến giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm dạ dày, do đó có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến dạ dày.
Ảnh hưởng của chế độ ăn tới sức khỏe dạ dày
Chế độ ăn có ảnh hưởng tới sức khỏe của dạ dày. Một chế độ ăn không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược axit hoặc thậm chí ung thư dạ dày. Ngược lại, một chế độ ăn uống lành mạnh giúp duy trì sức khỏe dạ dày, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan.
2. Một số dưỡng chất cần thiết với người bị nhiễm vi khuẩn HP
Một số thực phẩm được khuyến khích sử dụng để thúc đẩy quá trình chữa lành đường ruột bao gồm men vi sinh như rau lên men, sữa chua, kombucha, cá hồi, rau xanh, chuối, nước hầm xương, dứa, kiwi, bông cải xanh và trà xanh… Để có kết quả tốt nhất, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một kế hoạch ăn kiêng phù hợp giúp giảm bớt tình trạng nhiễm vi khuẩn HP.
Uống nước từ nguồn sạch
Bạn cần đảm bảo uống ít nhất tám ly nước mỗi ngày. Thói quen này cần thiết cho sức khỏe tổng thể và trong trường hợp bạn bị loét dạ dày tá tràng, nó sẽ giúp giảm kích ứng do nhiễm trùng gây ra.
Theo một nghiên cứu, nước giúp trung hòa dịch dạ dày bằng cách tăng độ pH. Nó có tác dụng tương tự như thuốc kháng acid. Với người có bệnh lý, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng nước lý tưởng hàng ngày phù hợp với tình trạng của mình.
Bên cạnh việc nên uống bao nhiêu nước, hãy đảm bảo nguồn nước sạch và an toàn. Nếu không, nó có nguy cơ làm vết loét trầm trọng hơn vì vi khuẩn HP có thể đến từ nước bọt, dụng cụ bẩn, nước bị ô nhiễm.
Thực phẩm giàu chất xơ
Táo, lê, bột yến mạch và các thực phẩm giàu chất xơ khác rất tốt cho vết loét. Chất xơ có thể làm giảm lượng acid trong dạ dày đồng thời làm giảm chứng đầy hơi và đau đớn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp ngăn ngừa loét.
Ưu tiên các thực phẩm giàu men vi sinh
Một số chủng probiotic nhất định thể hiện hoạt tính kháng khuẩn do khả năng điều chỉnh phản ứng miễn dịch của vật chủ, tiết ra các chất kháng khuẩn như acid lactic và làm rối loạn cơ chế bám dính của vi khuẩn.
Prebiotic là chất xơ chuyên dụng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt trong ruột còn probiotic đề cập đến vi khuẩn và nấm men khỏe mạnh sống trong cơ thể. Chúng đảm bảo quá trtrình tiêu hóa thích hợp, cải thiện khả năng miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
Ngoài kháng sinh, thực phẩm giàu men vi sinh còn giúp loại bỏ vi khuẩn HP. Những vi khuẩn tốt này cân bằng quần thể vi sinh vật trong ruột, loại bỏ nhiễm trùng và giảm tác động viêm nhiễm cũng như sự phát triển tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Chúng có thể giúp chữa lành vết loét bằng cách chống lại nhiễm trùng HP hoặc giúp các phương pháp điều trị có hiệu quả tốt hơn.
Tóm lại, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP, hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi sau khi đã được loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Việc canh chỉnh chế độ ăn uống sao cho đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ, men vi sinh và prebiotic, cùng việc tránh thực phẩm kích ứng niêm mạc dạ dày là rất quan trọng. Hãy luôn tôn trọng cơ thể bằng cách chăm sóc cho dạ dày của mình thông qua việc lựa chọn chế độ ăn lành mạnh và phù hợp.