Chiếc áo không làm nên thầy tu
Sự cầu thị trong trường hợp lấy bằng tiến sĩ siêu tốc (chỉ 2 năm 3 tháng) của ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chính là lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện từ dư luận mà trong đó có rất nhiều người đã trải qua quy trình từ cử nhân thành tiến sĩ, kể cả những vị tiến sĩ đang đứng trên giảng đường Đại học Luật Hà Nội. Đáng tiếc, trước rất nhiều ý kiến cho rằng “chưa từng gặp nghiên cứu sinh nào học thẳng từ cử nhân lên mà hoàn thành chương trình tiến sĩ trong 2 năm, ai nhanh nhất cũng phải hơn 4 năm, người nào 3 năm đã quá giỏi” thì Trường Đại học Luật Hà Nội lại đưa ra những thông tin bao biện về lộ trình lấy bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang).
Tổng thời gian đào tạo của học viên Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) kể từ khi được công nhận nghiên cứu sinh (tháng 12/2019) đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ (tháng 3/2022) được Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết là 2 năm 3 tháng, tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT (của Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Quyết định 261/QĐ-ĐHLHN (của trường Đại học Luật Hà Nội). Thông tin từ Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho biết, tháng 10/2021, ông Vương Tấn Việt có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo và đầu tháng 12/2021 ông bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp trường. Có thể thấy những thông tin trên đây là mấu chốt của vấn đề, khiến dư luận tiếp tục “nổi sóng” trong những ngày qua.
Phải chăng Trường Đại học Luật Hà Nội đã “mặc áo quá đầu” khi rốt ráo cấp bằng tiến sĩ luật cho tu sĩ Phật giáo Thích Chân Quang? Là người tu hành, Thượng tọa Thích Chân Quang có cần thiết phải cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ luật hay không?. Nhân gian có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” vậy tấm bằng tiến sĩ luật có ý nghĩa gì đối với nhà tu hành Thích Chân Quang - khi chính ông này mới đây đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) áp dụng biện pháp kỷ luật nghiêm khắc do bất tuân giới luật, rao giảng thuyết pháp trái với đạo hạnh, giáo lý môn đồ Phật Tổ.
Theo Thông báo số 244/TB-HĐTS-VP2 ngày 19/6/2024 của Hội đồng trị sự Văn phòng 2 Trung ương giáo hội GHPGVN, Thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Thiền Tôn Phật Quang (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và các địa điểm khác trong vòng 2 năm. Giáo hội cũng yêu cầu chùa Thiền Tôn Phật Quang và Thượng tọa Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả Phái Quy y Tam bảo tự thay đổi nội dung không đúng với Năm giới căn bản của người Phật tử tại gia do Đức Phật chế định. Thượng tọa Thích Chân Quang phải gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội.
Áo cà sa cùng những lời thuyết giảng sân si, dụ dẫn chúng sanh vào vòng mê muội, hủy hoại tâm Phật của một nhà sư; tấm bằng tiến sĩ luật mà ông Thích Chân Quang có được một cách siêu tốc cũng vậy, nó không thể là vật trang sức khiến người tu tập đạo hành như ông sáng lòa giữa bá tánh, nhân gian.
Việc vội vã cấp bằng tiến sĩ cho nhà tu hành phật giáo Thích Chân Quang của Trường Đại học Luật Hà Nội đã gây ra tai tiếng đối với một trường đại học có tuổi đời gần 50 năm. Dư luận không thể không đặt câu hỏi, đã có bao nhiêu tấm bằng tiến sĩ được Trường đại học luật Hà Nội cấp một cách siêu tốc như trường hợp Thích Chân Quang?